Bé mọc răng hàm là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong các trang bỉm sữa. Trong khoảng thời gian này, bé có nhiều sự thay đổi và cần được lưu ý chăm sóc đúng cách để giảm khó chịu, giúp bé vượt qua giai đoạn mọc răng thoải mái nhất.
Răng hàm là chiếc răng có tác dụng giúp nghiền nát thức ăn tốt nhất trước khi thức ăn xuống bộ máy tiêu hóa và được cơ thể hấp thu dinh dưỡng. Bởi vậy, răng hàm là nhóm răng quan trọng nhất của cả hàm răng.
Bé mọc răng thường quấy khóc, khó chịu* |
Thời điểm bé mọc răng hàm
Thời điểm mọc răng hàm ở mỗi trẻ là khác nhau, tùy vào tình trạng sức khỏe và việc mẹ bổ sung canxi trong quá trình mang thai. Ở trẻ từ 4 - 6 tháng, răng sữa đầu tiên sẽ bắt đầu mọc. Khi đến 12 tháng tuổi sẽ có 6 chiếc răng, đến 2 tuổi thì trẻ sẽ có đủ 20 chiếc răng ở 2 hàm trên và dưới.
Với răng hàm thì trẻ sẽ mọc răng hàm trên trước ở độ tuổi từ 13 – 19 tháng. Hoặc cũng có thể mọc hàm dưới trước khi bé 14 – 18 tháng tuổi. Chiếc răng hàm thứ 2 có thể sẽ nhú lên khi bé 25 – 33 tháng tuổi đối với hàm trên và 23 – 31 tháng tuổi đối với răng hàm dưới. Tuy vậy, những chiếc răng hàm này được gọi là răng hàm sữa, tồn tại đến khi trẻ 6 tuổi. Răng hàm vĩnh viễn sẽ bắt đầu mọc ở giai đoạn trẻ 5 tuổi.
Bé mọc răng hàm khi được hơn 2 tuổi* |
Dấu hiệu bé mọc răng hàm là gì?
Bé mọc răng hàm sẽ có nhiều bất thường mà ba mẹ có thể quan sát và dễ dàng nhận biết như:
- Hay cáu gắt, quấy khóc.
- Lợi có màu đỏ, sưng.
- Thích gặm cắn đồ vật cứng.
- Tỏ ra khó chịu khi bị chạm vào lợi.
Thậm chí, có một số trường hợp bé bị sốt do mọc răng và đa phần bé sẽ không sốt quá cao, cơn sốt kéo dài từ 2 - 3 ngày và có thể kéo dài nhiều hơn do kích thước răng hàm lớn. Ngoài ra, đôi lúc bé mọc răng hàm có có thể bị cảm lạnh hoặc mắc bệnh liên quan đến dạ dày.
Cũng có trường hợp bé mọc răng hàm mà không có dấu hiệu gì bất thường, bé cảm thấy thoải mái trong khoảng thời gian này nên ba mẹ chỉ cần chăm sóc răng miệng tốt cho bé là được.
Cho bé ăn thức ăn mềm* |
Cần làm gì khi bé mọc răng hàm?
- Nên hầm nhừ, băm nhuyễn thức ăn để còn dễ nuốt hơn. Cho con uống thêm các loại nước mát để giảm đau nướu răng, giúp trẻ dễ chịu hơn.
- Khi mọc răng, trẻ sẽ có thể bị sốt, đau nhức dẫn đến chán ăn, mẹ đừng quát hay ép con ăn nhé. Hãy chia nhỏ bữa ăn của con, mỗi bữa con có thể ăn từng ít một.
- Đo nhiệt độ, nếu trẻ sốt từ 38.5 trở lên thì cần phải cho uống thuốc hạ sốt, dưới 38.5 có thể dùng khăn ấm lau người để hạ nhiệt. Khi sốt quá cao, nên tham khảo bác sĩ hoặc đưa trẻ đến bệnh viện để theo dõi.
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày một cách nhẹ nhàng.
- Chuẩn bị cho trẻ những đồ vật là từ chất liệu mềm, an toàn cho sức khỏe, hình dạng tròn để trẻ gặm nướu nhai khi mọc răng.
Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng khó chịu là một phần bình thường của quá trình bé mọc răng hàm. Tuy vậy, ba mẹ không nên chủ quan và bỏ qua bất kì triệu chứng nào của bé, có thể cân nhắc đưa bé đến thăm khám nha khoa kết hợp chăm sóc bé đúng cách để giúp bé thoải mái hơn.